Bệnh sâu răng có thể gây vỡ răng, hôi miệng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ rất nhiều. Chính vì vậy bạn không nên chủ quan với căn bệnh tưởng như đơn giản này.
Do đâu răng bị sâu?
Sở dĩ bạn bị sâu răng là do sự phối hợp của các yếu tố sau đây: vi khuẩn, chất đường và thời gian, trong đó vi khuẩn luôn có sẵn ở trong miệng tạo thành vi khuẩn chí, đặc trưng ở mỗi người; chất đường có thể tồn tại khoảng 1 giờ ở miệng sau khi ăn các loại thức ăn chứa đường. Do trên bề mặt răng có các mảng bám nên vi khuẩn gây bệnh sâu răng trú ẩn ở đây và có thể gây bệnh sâu răng. Vi khuẩn có thể sử dụng đường có trong miệng để tạo ra các mảng bám răng. Chúng còn biến đường thành chất axit và chất axit này ăn mòn dần các chất vô cơ của men răng và ngà răng, quá trình này tạo ra các lỗ sâu răng. Nhóm người có nguy cơ cao bị bệnh sâu răng gồm: trẻ em có thói quen ăn uống các thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt, hoa quả ngọt; trẻ có dị dạng về răng miệng; trong gia đình có bố, mẹ, anh chị em ruột bị sâu răng...
Sâu răng có cần dùng kháng sinh?
Khi đã phát hiện bệnh sâu răng, bạn cần đến khám và điều trị tại chuyên khoa răng càng sớm càng tốt. Phương pháp chữa sâu răng thông dụng nhất hiện nay là hàn răng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ khoan mở rộng lỗ sâu, nạo sạch ngà đã bị hủy hoại vụn nát, sát khuẩn lỗ sâu và sau đó hàn kín lại. Tuy nhiên đối với các trường hợp răng sâu nặng, không thể hàn bảo tồn được nữa thì bắt buộc phải
nhổ răng đó đi. Kháng sinh được chỉ định đối với các trường hợp bị viêm nhiễm.
Làm sao biết được bạn bị sâu răng?
Khi bắt đầu bị tổn thương sâu răng, bệnh tiến triển nhưng không tạo lỗ sâu trên bề mặt răng, vì vậy, bạn hầu như không thể biết là mình đang bị sâu răng. Giai đoạn này, tổn thương có khi chỉ là những đốm trắng đục hoặc nâu xuất hiện trên mặt nhai hoặc ở kẽ giữa hai răng. Trường hợp bạn phát hiện được lỗ sâu nhưng lỗ sâu đó còn nông thì cũng không đau đớn gì. Chỉ đến khi tổn thương lỗ sâu đã ăn sâu vào đến lớp ngà răng thì bạn mới thấy hơi đau và có thể bạn vẫn cho qua mà chưa biết là bị sâu răng. Tuy nhiên, nếu bị kích thích bởi các yếu tố như ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh, thức ăn chua, ngọt, khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm, bệnh nhân bị sâu răng sẽ ê buốt, đau tủy răng từng cơn. Khi đó nếu không được điều trị, tình trạng sâu răng sẽ diễn tiến nặng nhanh chóng. Nếu đã bị viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp-xe răng. Đối với trẻ em bị nhiễm khuẩn răng sữa, nếu không được điều trị đúng thì nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn là khó tránh khỏi. Nguy hiểm nhất là các trường hợp nhiễm khuẩn răng sữa có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn lan ra mặt rất nguy hiểm.
THÔNG TIN HỮU ÍCH:
- Thẩm mỹ răng
- 4 trường hợp cho bạn biết “Khi nào nên hàn răng”
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét